Kỹ thuật cơ khí - Trụ cột của mọi nền kinh tế

Giới thiệu ngành Kỹ thuật cơ khí

Tên ngành: Kỹ thuật cơ khí (Major: Mechanical Engineering)

Mã ngành: 7520103 (theo hệ thống mã ngành quốc gia)

Kỹ thuật cơ khí bao trùm một lĩnh vực rộng lớn, ứng dụng các nguyên lý cơ bản về toán học, vật lý để tạo ra các loại máy móc và thiết bị hoặc các vật dụng hữu ích. Kỹ thuật cơ khí áp dụng các nguyên lý nhiệt động lực học, định luật bảo toàn khối lượng, năng lượng để phân tích các hệ vật lý tĩnh và động, phục vụ cho việc thiết kế, chế tạo các sản phẩm trong mọi lĩnh vực như ô tô, máy bay, tàu thủy, các hệ thống gia nhiệt và làm lạnh, đồ dùng gia đình, máy móc và thiết bị sản xuất, vũ khí, các hệ thống sản xuất hóa chất, dầu khí, xi măng, v.v. Có thể nói Kỹ thuật cơ khí len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, mang lại những tiện nghi tốt nhất cho con người trong cuộc sống hiện đại.

Chương trình đào tạo đại học ngành Kỹ thuật cơ khí trang bị kiến thức tập trung trong một số lĩnh vực như cơ học chất rắn và vật liệu, cơ học chất lỏng, động lực học và điều khiển, nhiệt năng lượng và truyền nhiệt. Xem trọng nền tảng cơ bản, ngành Kỹ thuật cơ khí trang bị kiến thức, kỹ năng cho sinh viên hướng tới vị trí việc làm tương lai của họ, giúp họ phát triển và nuôi dưỡng sự sáng tạo thông qua việc tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm gắn liền với cuộc sống và gắn liền với quá trình sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn.

Viện Cơ khí hiện cung cấp năm (05) chương trình đào tạo cơ khí. Theo đó, ngoài phần kiến thức nền tảng được học chung (khoảng 75%), sinh viên có thể lựa chọn theo các định hướng chuyên ngành sau:

1. Kỹ thuật ô tô (Automotive Engineering);

2. Kỹ thuật nhiệt lạnh (Heat and Refrigeration Engineering);

3. Máy và Tự động hóa xếp dỡ (Material Handling Machineries and Automation);

4. Kỹ thuật cơ khí (Mechanical Design and Manufacturing Engineering);

5. Cơ điện tử (Mechatronics Engineering).

Các chương trình đào tạo được xây dựng theo tiêu chuẩn CDIO - là tiêu chuẩn quốc tế được Học viện công nghệ Massachusete, Mỹ (MIT) phát triển và được nhiều trường đại học áp dụng. Theo đó, chương trình đào tạo được xây dựng một cách hợp lý, logic và khoa học để có thể chuyển hóa kiến thức thành các kỹ năng vận dụng được trong thực tiễn, hướng tới sinh viên tốt nghiệp có khả năng hình thành ý tưởng (Conceive), thiết kế (Design), triển khai (Implement), vận hành (Operate) các sản phẩm, quy trình và hệ thống cơ khí phức tạp trong một môi trường hiện đại, dựa trên nền tảng làm việc nhómSự khác biệt quan trọng khi xây dựng chương trình đào tạo theo CDIO là việc lựa chọn chuẩn đầu ra (CĐR) dựa trên sự tham gia của các bên liên quan (stakeholders), đặc biệt là các bên khách quan như sinh viên, cựu sinh viên, nhà tuyển dụng, các cơ quan quản lý.

Phần kiến thức nền tảng kỹ thuật cơ khí bao gồm những lĩnh vực cơ bản như nhiệt động lực học và truyền nhiệt (thermodynamics and heat transfer), vật liệu (material sciences), cơ học chất rắn (solid mechanics), cơ học chất lưu (fluid dynamics), động lực học và điều khiển (dynamics and control) và thiết kế máy móc, kết cấu (mechanical and structural design). Sau đó, ở cấp độ cao hơn, sinh viên có thể tiếp cận các lĩnh vực như tự động hóa sản xuất và điều khiển (production automation and control), công nghệ CAD/CAM/CNC, robot, quá trình cháy (combustion), cơ khí động lực ô tô (automotive powertrain), mô phỏng số động lực học chất lỏng (computational fluid dynamics), và cơ điện tử (mechatronics).

Như vậy, Kỹ thuật cơ khí không đơn thuần chỉ là thiết kế, chế tạo các máy móc, chi tiết cơ khí, mà còn bao trùm các lĩnh vực rộng lớn. Có thể nói, không có một sản phẩm vật chất nào trong đời sống xã hội hiện đại không có sự tham gia của các kỹ sư cơ khí. Nắm được kiến thức nền tảng, các kỹ sư cơ khí có thể thỏa sức sáng tạo trong các lĩnh vực khác nhau như Tự động hóa xí nghiệp sản xuất; Công nghệ CAD/CAM; Hệ thống cơ điện tử và Robotics, hay các lĩnh vực khác như Công nghệ ô tô; Công nghệ/thiết bị làm lạnh, điều hòa không khí; Nhà máy nhiệt điện.

Ngoài học tập, nghiên cứu tại hệ thống cơ sở vật chất thí nghiệm hiện đại của Trường, sinh viên cơ khí còn được tiếp xúc với thực tiễn sản xuất. Qua các đợt tham quan, thực tập giúp sinh viên cảm nhận thực tiễn nghề nghiệp, biết cách áp dụng vào thực tiễn những bài học, lý thuyết đã được học trong trường. Ngoài ra, kỳ thực tập cũng giúp sinh viên hình thành rõ định hướng nghề nghiệp, tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu của mình để  hướng tới công việc trong tương lai.

Nghề Kỹ sư cơ khí và cơ hội việc làm

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), nhu cầu nhóm ngành Cơ khí - Luyện kim - Công nghệ ô tô xe máy đứng đầu, chiếm tỷ lệ 28% nhu cầu lao động. Cũng theo một khảo cứu đại học năm 2012, có tới 86% số sinh viên học các ngành thuộc khối Khoa học, Công nghệ, Kĩ nghệ và Toán học (gọi là STEM: Science, Technology, Engineering, Mathematics) tìm được việc làm tốt. 

Một số lĩnh vực nghề nghiệp chủ yếu đối với kỹ sư cơ khí bao gồm: 

Thiết kế sản phẩm (Product Design): Thiết kế các sản phẩm đa dạng, từ các thiết bị y sinh học hay các động cơ đốt trong, xe cộ, các hệ thống máy móc phức tạp, hay các thiết bị gia dụng phục vụ đời sổng.

Nghiên cứu phát triển (Research and Development): Nghiên cứu các ý tưởng mới, các giải pháp mới phục vụ việc thỏa mãn nhu cầu của đời sống xã hội, hay cải tiến, mở rộng năng lực, nâng cao hiệu quả các thiết bị, các ý tưởng hay giải pháp cũ.

Sản xuất (Manufacturing): Thiết kế và sản xuất các máy móc, thiết bị, dụng cụ phục vụ đởi sống. Xu thế hiện nay là nghiên cứu chế tạo các thiết bị ngày càng thông minh, thân thiện người dùng và tiết kiệm năng lượng. 

Quản lý hệ thống (Systems Management): Điều hành việc khai thác các hệ thống sản xuất phức tạp như các dây chuyền sản xuất máy móc, hóa chất, dầu khí, nhà máy phát điện, khai thác cảng, đóng tàu. 

Năng lượng (Energy): Nghiên cứu, thiết kế các hệ thống năng lượng, bao gồm sản xuất năng lượng, giải pháp lưu trữ hay truyền tải năng lượng phục vụ nhu cầu sản xuất hay sinh hoạt. Tối ưu hóa các quá trình biến đổi năng lượng từ các dạng khác nhau như năng lượng nhiệt, điện năng, từ dầu mỏ, khí đốt hay các giải pháp năng lượng thay thế, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. 

Cơ hội thu nhập

Các thống kê trên thế giới đều chỉ ra khả năng thu nhập cao đối với nhóm ngành công nghệ, kỹ thuật. Theo một nghiên cứu vào năm 2014, thu nhập trung bình năm của kỹ sư cơ khí là 83.060USD, 10% trong số đó có mức thu nhập dưới 53.210USD/năm, 10% có thu nhập cao hơn 126.430USD/năm. Cũng theo nghiên cứu này, một số lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật có mức thu nhập cao bao gồm (theo website www.collegegrad.com):

- Nghiên cứu và phát  triển trong lĩnh vực vật lý, kỹ thuật, khoa học phục vụ đời sồng (thu nhập 94.640USD/năm);

- Sản xuất sản phẩm và linh kiện trong lĩnh vực hàng không (89.600USD);

- Sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính (87.600USD/năm);

- Dịch vụ kỹ thuật (engineering services) (84.580USD/năm);

- Sản xuất máy móc (76.190USD/năm).

Ở Việt Nam, kỹ sư cơ khí cũng là từ khóa thuộc hàng "hot" trên các trang giới thiệu việc làm. Nếu tìm kiếm với từ khóa "Cơ khí" trên trang vietnamworks.com, bạn sẽ được trả về kết quả khoảng 600 việc làm. Còn nếu thêm điều kiện lọc với mức lương 500-1000USD, thì cũng cho kết quả khoảng 350 vị trí việc làm. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố Hải Phòng (trên 3 tỷ USD trong năm 2016), nhu cầu về nguồn nhân lực cơ khí trong khu vực ngày càng tăng. Ngoài nhu cầu trong nước, hiện Nhật Bản là quốc gia có nhu cầu về nguồn nhân lực cơ khí rất cao với mức thu nhập tốt (khoảng 30-50 triệu đồng VN/tháng).

Kỹ sư cơ khí tốt nghiệp tại Viện Cơ khí (Khoa Cơ khí trước đây) hiện đang làm việc tại nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất trên mọi miền đất nước. Họ đã và đang đóng góp tốt cho lĩnh vực sản xuất cơ khí cả nước. Ở Hải Phòng và khu vực Duyên hải Bắc Bộ, hầu như không có nhà máy, xí nghiệp sản xuất lớn nào không có sự góp mặt của các cựu sinh viên cơ khí, Đại học Hàng hải Việt Nam. Dưới đây là một số vị trí việc làm mà cựu sinh viên Viện Cơ  khí đang đảm nhận:

- Trưởng phòng QA (Quality Assurance), Công ty chế tạo máy EBA, Khu công nghiệp NOMURA, Hải Phòng, cựu SV Máy tàu thủy (K42);

- Phó giám đốc sản xuất (Production Manager), Công ty Rorze Robotech, Khu Công nghiệp NUMORA, Hải Phòng, cựu SV Máy khai thác (K30);

- Kỹ sư giám sát (Mechanical Supervisor) cho tổng thầu JGCS consortium dự án lọc dầu Nghi Sơn, cựu SV Máy xếp dỡ (K45);

- Kỹ sư bán hàng (Sale Engineer), Công ty ERIKS Vietnam (chuyên sản xuất, phân phối van dùng trong công nghiệp, dầu khí, tàu thủy, cựu SV Máy xếp dỡ (K45).

Danh sách tiếp tục được cập nhật ...

Liên kết Website